Hướng dẫn đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất vào Sổ đỏ đã cấp.
Khi làm Sổ đỏ nhiều trường hợp chỉ yêu cầu chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, khi có nhu cầu đăng ký bổ sung nhà ở, tài sản khác thì thực hiện theo thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất vào Sổ đỏ đã cấp như thế nào?.
Xem thêm: Thế nào là Đất lưu không? Đất lưu không có được cấp Sổ đỏ không? TẠI ĐÂY
Tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ
Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm Bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai năm 2013 quy định về cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, như sau: “Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Lưu ý, tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ là tài sản đã hình thành trên thực tế tại thời điểm cấp Sổ đỏ và thuộc quyền sở hữu của người đề nghị được cấp Sổ đỏ.
Những tài sản trên không được cấp riêng một quyển Sổ đỏ mà được ghi nhận tại trang 2 của Sổ đỏ.
Những tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu
Theo Điều 35 Nghị định 43/2014/NĐ-CP tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu (không được ghi vào Sổ đỏ) khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1, tài sản gắn liền với đất mà thửa đất có tài sản đó không đủ điều kiện được cấp Sổ đỏ.
Trường hợp 2, nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính.
Trường hợp 3, tài sản gắn liền với đất đã có thông báo hoặc quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc đã có thông báo, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp 4, nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tài sản được tạo lập đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp Sổ đỏ.
Trường hợp 5, tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp.
Trường hợp 6, tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể:
– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở (Theo Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho công trình xây dựng khác (Theo Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Trường hợp 7, tài sản tạo lập do chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Ví dụ như xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa, nhưng đất đó là tự ý chuyển mục đích sử dụng khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủ tục bổ sung tài sản gắn liền với đất vào Sổ đỏ
Bước 1. Nộp hồ sơ
Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) người sử dụng đất cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ như sau:
- Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản cần bổ sung vào Sổ đỏ.
Tùy thuộc vào từng trường hợp tài sản cần đăng ký bổ sung vào Sổ đỏ đã cấp mà có giấy tờ khác nhau, cụ thể:
– Nếu đăng ký bổ sung quyền sở hữu nhà ở thì phải có một trong các giấy tờ chứng nhận tài sản là nhà ở.
– Nếu đăng ký bổ sung quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở thì phải có một trong các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu công trình không có một trong các loại giấy tờ theo quy định trên hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng thì chủ sở hữu công trình nộp hồ sơ thiết kế xây dựng của công trình đó.
– Nếu đăng ký bổ sung quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thì phải có một trong giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng (xem chi tiết tại Điều 33 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
– Nếu đăng ký bổ sung quyền sở hữu tài sản là cây lâu năm thì phải có một trong giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm (xem chi tiết tại Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Lưu ý, giấy tờ khi nộp là bản sao có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao hoặc bản chính.
Với trường hợp chủ sở hữu công trình không đồng thời là người sử dụng đất thì phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Sơ đồ về tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có sơ đồ tài sản phù hợp với hiện trạng);
- Sổ đỏ bản gốc đã cấp
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Ngoài ra, khi nộp hồ sơ phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
– Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, với địa phương thành lập Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa.
– Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nếu có nhu cầu.
– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 3 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
Bước 3. Giải quyết yêu cầu
Bước 4. Trả kết quả
Thời hạn giải quyết:
– Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Thời hạn giải quyết không tính thời gian:
+ Thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật
+ Thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất
+ Thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Lưu ý, thủ tục trên đây áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN THIÊN KHÔI
Chuyên tuyển dụng Môi giới Bất động sản, đào tạo mua bán nhà đất, pháp lý trong giao dịch Bất động sản, thủ tục sang tên sổ đỏ,…
batdongsanthienkhoi.vn@gmail.com / 0961226889
Website: https://batdongsanthienkhoi.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/bdsthienkhoi
Hội sở chính Hà Nội: 18 Tam Trinh, tầng 5 Tòa VTC Online – Hoàng Mai – Hà Nội.
Trụ sở Đống Đa : 174 Đường Láng – Đống Đa – Hà Nội.
Trụ sở Cầu Giấy : 37 Nguyễn Văn Huyên – Cầu Giấy – Hà Nội.
Trụ sở Long Biên : 139 Hồng Tiến – Long Biên – Hà Nội.
Trụ sở Hà Đông : 50 Nguyễn Văn Lộc – Hà Đông – Hà Nội.